Điện thoại: 096 5952 494
Với tiếng sáo điêu luyện của mình, nghệ nhân sáo trúc Nguyễn Khang từ lâu đã góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa của dân tộc, truyền cho thế hệ trẻ niềm đam mê bất tận với những giá trị âm nhạc truyền thống.
Niềm đam mê vô tận dành cho sáo trúc
Lần đầu tiên gặp nghệ nhân Nguyễn Khang, tôi đã bị cuốn hút bởi tiếng sáo trúc da diết trầm lắng như muốn khơi sâu tận cõi lòng với biết bao kỉ niệm thời ấu thơ. Không chỉ là người say mê làm sáo, thổi sáo, ông còn là người thầy dạy cho rất nhiều thế hệ học trò biết thổi sáo của dân tộc mình. Sáo trúc có lẽ là loại nhạc cụ lâu đời nhất trong các loại nhạc cụ dân gian Việt Nam.
Sinh ra và lớn lên tại Xã Xuân Sơn, Đô Lương, Nghệ An, nơi đây thi thoảng vang lên những âm thanh khi trầm, khi bổng, đó là những lúc ông thả hồn vào cây sáo, tiếng sáo vang lên như ru trẻ trong những giấc ngủ trưa, sáo theo trẻ ra đồng réo rắt trên lưng trâu, cho tới khi chiều tà.
Hàng ngày gắn bó với những cây sáo trúc như một thú vui không thể thiếu, đó là sự nghiệp mà nghệ nhân Nguyễn Khang đã đeo đuổi suốt cuộc đời từ khi còn là một cậu bé chăn trâu cắt cỏ ngoài đồng, từ cảm nhận thơ ngây của trẻ thơ đã đưa ông đến với nghiệp làm sáo. Ông đắm mình trong từng làn điệu vút lên từ ống sáo. Yêu thích thứ âm nhạc diệu kỳ đó, ông không ngừng học hỏi để rồi với bàn tay khéo léo, sáng tạo, ông đã làm ra những cây sáo, biến ước mơ thành hiện thực.
Năm 1973, ông tham gia kháng chiến tại sư đoàn 324, chiến đấu ở chiến trường miền nam, phục vụ văn hóa văn nghệ cho sư đoàn. Những lúc rảnh rỗi, ông đem sáo ra tập và thổi cho đồng đội nghe. Ông tự tìm tòi học, từ gam, nốt nhạc đến vật liệu và cách thức làm sáo. Nghệ nhân Nguyễn Khang không đi theo con đường học sáo theo trường lớp chuyên nghiệp, những kiến thức ông có được là tự ông tìm đọc sách vở.
Đến năm 1977 đất nước hoàn toàn giải phóng Bắc Nam một nhà, toàn dân đứng lên xây dựng đất nước phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, ông trở về quê lao động sản xuất, làm kinh tế. Niềm đam mê với sáo trúc dường như đã làm ông quên đi những vất vả khó khăn trong cuộc sống hàng ngày.
Ngày nào cũng vậy, trong đầu ông lúc nào cũng nghĩ đến việc nghiên cứu và chế tạo cho ra bằng được cây sáo trúc ưng ý. Ông đi khắp các khu rừng miền trung tìm nguyên liệu làm sáo, bằng tài năng thiên bẩm, chỉ cần nhìn qua là ông đã có thể xác định được cây trúc đó có tạo ra được âm thanh dịu dàng bay bổng theo đúng tiêu chuẩn hay không. Bởi theo ông để cây sáo có âm thanh tốt trước tiên phải chọn được nguyên liệu, chất liệu và vóc dáng phù hợp.
Thời đó, nhân dân còn đói khổ ít ai có thú vui với sáo trúc bởi như nhà văn Nam Cao đã từng nói: “Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu?”.
Nghề làm sáo lúc bấy giờ không thể giúp ông trang trải cuộc sống cho cả gia đình, nhưng không vì điều đó mà ông bỏ đi niềm đam mê của mình với cây sáo. Ông đi bán kem để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống gia đình nhưng vẫn không quên treo bó sáo trên xe để bán kèm, lúc rảnh lại đem ra thổi cho đời cho mình.
5 năm bán kem ròng rã, khi tích góp được chút vốn, ông cùng vợ mở quán ăn ở thị trấn. Cuộc sống bận rộn nhưng ngày nào ông cũng dành thời gian để làm sáo và thổi sáo, dù không mấy ai mua nhưng vì đam mê ông vẫn say sưa tìm tòi và nghiên cứu.
Khi cuộc sống dần ổn định, ông nghỉ tiệm cơm để tập trung toàn bộ tâm lực và trí lực theo đuổi đến tận cùng của đam mê dù tuổi đã gần 50. Đến tận bây giờ nhiệt huyết đó vẫn không hề bị mất đi, ông vẫn học tập, nghiên cứu để làm ra những cây sáo trúc đạt chuẩn theo yêu cầu về âm thanh.
Thổi hồn vào sáo trúc
Tiếng sáo Việt Nam khơi lên từ đâu không ai biết, người nào thổi ta cũng không hay, có thể là một chàng nông dân, dưới bóng mát gốc cây hay một chú mục đồng trên mình trâu đang thả điệu véo von theo từng mây lơ lửng. Cho đến bây giờ, khi đã bước sang tuổi 61, đã có rất nhiều người biết đến biệt tài làm sáo với thâm niên quá nửa cuộc đời, cuộc sống ngày càng phát triển cả về kinh tế lẫn đời sống tinh thần.
Những văn hóa thuộc về truyền thống ngày được con người đón nhận bằng một niềm tự hào dân tộc, tiếp thu những tinh hoa văn hóa của đất nước từ ngàn đời xưa đặc biệt là thế hệ trẻ. Mọi người tìm đến ông với mong muốn được sở hữu một cây sao trúc ngày một nhiều, hơn nữa họ muốn được học, được nghe ông thổi. Mỗi ngày vài ba cây sáo, đó là niềm vui của ông, cây nào cũng khiến ông hài lòng bởi chất lượng của âm thanh luôn đạt chuẩn.
Nhiều người đam mê sẵn sàng trả giá cả triệu đồng cho mỗi cây sáo do chính tay ông. Một đời dành trọn niềm đam mê, tâm huyết với sáo trúc, ông còn truyền lại cho đời sau – những người trẻ tuổi có thêm kiến thức về sáo trúc. Nhiều người ở xa không đến học được đã “thụ giáo” ông qua điện thoại. Như chị Nguyễn Minh Hòa (Hà Nội) vì quá yêu thích thổi sáo nên đã tìm đến ông để mua sáo, đồng thời cũng nhờ ông hướng dẫn thêm trong quá trình tập. Tình yêu với cây sáo trúc của ông lan tỏa sang thế hệ trẻ với mục đích gìn giữ những nhạc cụ của dân tộc.
Tiếng sáo sẽ sống mãi trong tâm hồn người Việt theo những thế hệ, không chỉ dừng lại ở đây, cây sáo Việt Nam sẽ còn phát triển hơn nữa theo thời gian và không gian, vươn ra thế giới để khẳng định một Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Tiếng sáo vang lên làm ta đã thấy nhớ nhà, nhớ người thân yêu, nhớ bờ tre đầu ngõ, nhớ bụi chuối sau vườn, nhớ những kỉ niệm mến thương, nhớ hồi đầm ấm tươi vui cũng như ngày khổ đau, nước mắt.
Tiếng sáo gợi dậy thời thơ ấu, tiếng sáo vẽ nên những đêm trăng, tiếng sáo gọi hồn những mối tình dang dở, tiếng sáo làm ta gắn bó với quê hương, tiếng sáo của những buổi trưa hè vẳng lên từ khoảng đồng lộng gió, nghe sao vẫn véo von gợi buồn man mác mơ hồ.
Hơn nửa đời người cần mẫn thổi hồn vào sáo trúc, nghệ nhân Nguyễn Khang đã cho ra đời hàng ngàn cây cùng biết bao thế hệ học trò. Nhưng điều làm ông hạnh phúc nhất đó chính là những cây sáo của ông ngày một phổ biến và được rất nhiều người dân Việt Nam cũng như bạn bè thế giới đón nhận.
Mặc dù đã ngoài 60, nghệ nhân Nguyễn Khang vẫn không ngừng sáng tạo và miệt mài cho từng cây sáo trúc. Với bàn tay tài hoa của mình, ông mong muốn giới trẻ Việt Nam sẽ đem tiếng sáo Việt vươn xa hơn nữa, xứng tầm thế giới.
Bạn đọc cần tư vấn về sáo trúc có thể liên hệ: Nghệ nhân Nguyễn Khang Số điện thoại: 0966 440 087 Website: nhaccudantoc.vn Gmail: nghenhannguyenkhang@gmail.com |
Chuyên cung cấp, phân phối các loại nhạc cụ, sáo trúc, sáo bầu, sáo tàu, sáo mèo...
Hotline: 0966606640
Xưởng sản xuất: Xã Xuân Sơn - Đô Lương - Nghệ An