|
Già K Să Ha Bang với “nỗi niềm” truyền dạy kèn bầu cho con cháu. Ảnh: Thùy Linh
|
Ấn tượng đầu tiên ập vào mắt chúng tôi là một lão nông đã ngoại 90 tuổi với khuôn mặt quắc thước bên chiếc kèn bầu. Đôi tay không còn nhanh nhẹn rót nước mời khách, già K Să Ha Bang kể một cách chậm rãi: Từ nhỏ già đã được cha mẹ mình dạy cách chơi các nhạc cụ, đến khi thanh niên trai tráng già đã có thể cất lên một bản nhạc bằng kèn bầu vang vọng giữa núi rừng Lạc Dương này. Cả đời già từ khi sinh ra đến lúc tóc bạc luôn gắn bó với kèn bầu và nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình, đơn giản vì già yêu núi rừng, yêu cái âm thanh phát ra từ những nhạc cụ tưởng chừng đơn giản mà lại độc đáo này.
Ông Lơ Mu Na Lên, trưởng thôn 4, xã Đạ Sar cũng là người đam mê âm nhạc, biết ý định của chúng tôi, đã dành thời gian quý báu của mình để làm “hoa tiêu”. Lơ Mu Na Lên thông tin: “Già K Să Ha Bang được người trong thôn biết đến là một người có thể chơi nhiều loại nhạc cụ. Ông có thể thổi sáo, đánh đàn và đặc biệt trong đó là thổi kèn bầu. Già thường chơi trong các dịp lễ hội của thôn xóm, hướng dẫn cho lũ trẻ ở cái thôn nghèo này”.
Với đồng bào dân tộc thiểu số ở rừng núi Nam Tây Nguyên, kèn bầu được sử dụng ở hầu hết các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, đám cưới, đám tang, cúng rẫy…, mỗi giai điệu lại mang một ý nghĩa riêng. Kèn bầu được làm từ một quả bầu khô và những ống lồ ô trên rừng, 4 ống phía trên được dùng để giữ giai điệu, 2 ống dưới dùng để đệm và bè. Âm thanh của nó thì được ví von như là phương tiện để con người có thể truyền tải tâm tư tình cảm của mình với núi rừng, đôi lứa tâm tình, bén duyên nhau.
Những lúc rảnh rỗi già K Să Ha Bang lại thổi kèn bầu và bên cạnh ông là con cháu, xóm làng vây quanh. Già tâm sự: “Ước nguyện duy nhất của tấm thân già này chính là lưu giữ lại một nét văn hóa của núi rừng. Cách làm duy nhất là để con cháu mình lắng nghe từng âm điệu khi mới lọt lòng, nếu đã thấm vào máu thịt thì làm sao có thể từ bỏ được, mà nhạc cụ truyền thống chính là hồn cốt của tổ tiên”.
Những năm gần đây, già đã tự nguyện “đứng lớp” cho những ai muốn học kèn bầu và nhạc cụ truyền thống trong thôn, xã. Hình ảnh một ông già mái tóc bạc phơ bên chiếc kèn bầu đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây. Già trầm ngâm: “Đau đớn lắm. Con trẻ bây giờ nó chỉ thích những thứ nhạc lùm xùm, đâu có thích kèn bầu, sáo trúc, cồng chiêng… Một mai này già mất đi, không biết con cháu mình có tiếp tục giữ gìn không nữa, nhưng chắc chắn một điều kỷ vật lớn nhất của già để lại cho chúng chính là chiếc kèn bầu trong tay già”.
Ngay chính người vợ yêu quý của già, bà Ka Măng (1932) là người làm hậu phương vững chắc cho ông trong những năm tháng qua cũng không khỏi xúc động về người chồng của mình. Bà cho biết: “Ngay từ khi còn trẻ tôi đã bị mê hoặc bởi tiếng kèn của ông, trải qua bao nhiêu mùa rẫy, cuộc sống không tránh khỏi những lúc phiền muộn, nhưng tiếng kèn đã trở thành nguồn động viên, nghe tiếng kèn của ông tôi lại tự nhiên cảm thấy vui trong lòng”.
Chiều Đạ Sar, đôi vợ chồng già lại cùng nhau cất bước rảo quanh xóm làng, chơi vơi trong tiếng kèn mê đắm lòng người.